Văn hóa cà phê của Ethiopia bắt rễ trong tín ngưỡng thờ phụng và hòa đồng với bà mẹ Tự nhiên phồn thực. Hình tượng cây cà phê phù hợp với kích thước con người, sum sê tàn lá biếc xanh và những bông hoa nhiều cánh trắng muốt thơm ngát với những chùm trái muôn sắc từ xanh trắng đến vàng đỏ, nhất là hạt có hình như hai cánh bướm của cửa mình người nữ, gợi hình ảnh nơi tất cả chúng ta chào đời, và trở lại khi hội ngộ với tình ái thăng hoa và phồn thực tiếp nối.
Để làm nổi bật ý nghĩa đó, sự cử hành nghi thức cà phê cũng hết sức thong thả, thoải mái. Đầu tiên, căn buồng hoặc lều trại được quét gọn sạch, rải cỏ thơm và rắc hoa. Người nữ chủ lễ đốt hương trầm hoặc thắp nhang để thanh tẩy bầu không khí và xua đuổi tà ma. Nước lạnh trong sạch được đong vào ấm đất hoặc gốm đen, đáy bằng tròn (gọi là jebena) rồi đặt lên than hồng.
Hạt cà phê tươi được rửa sạch và rang trong chảo gang có cán gỗ dài. Cà phê được rang chậm với lửa thật đều và đảo luôn tay để dầu thơm tiết ra nhưng không bị cháy đen. Hương cà phê thơm khi rang cũng góp phần cho khí quyển của buổi lễ.
Cà phê đã rang được nghiền trong cối với chày giã hoặc bằng cối xay cà phê. Cối gỗ có tên là mukecha và chày bằng kim loại có tên là zenezena. Cối và chày cũng là biểu tượng của hai bộ phận sinh thực nữ và nam. Động tác giã chính là sự hòa hợp của nam nữ để cùng hoan lạc và lưu truyền đời sống.
Khi cà phê giã xong cũng là lúc nước đã đủ nóng. Người nữ phụ trách giở nắp ấm bằng rơm và trút cà phê vừa xay thơm ngát vào. Ấm đun lại tới khi cà phê được chiết xuất vừa đúng độ và sẵn sàng rót ra cho khách.
Người chủ thường rót cà phê đầy, bắn cả ra ngoài, đây cũng là một phần của nghi lễ. Những chiếc cốc được xếp trên một cái khay, trên một thảm trải đầy cỏ thơm, đại diện cho sự no đủ, tình cảm nồng ấm.
Trong buổi lễ này, những đứa trẻ đang “học việc” sẽ phải cẩn thận mang cà phê tới cho từng khách. Người khách có địa vị cao nhất, lớn tuổi nhất sẽ được nhận cốc cà phê đầu tiên. Đây cũng là lúc mọi người cùng ngồi đàm luận, chia sẻ thông tin, về các vấn đề chính trị, xã hội. Mỗi tiệc trà như vậy sẽ kéo dài từ nửa giờ đến vài giờ.
Cà phê thường là cà phê đen đặc, nhưng khách cũng có thể cho thêm một vài thìa đường trước khi uống. Nếu tiệc cà phê được tổ chức tại các vùng thôn quê, chủ nhà sẽ mời khách muối thay vì cà phê.
Người Ethiopia coi những nghi lễ cà phê là một cách thắt chặt tình bạn và thể hiện sự tôn trọng. Khi có khách đến nhà, họ có thể tổ chức các tiệc cà phê kéo dài tới vài giờ, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Những vị khách được mời tới uống cà phê không được phép từ chối uống bởi hành động này được coi là thiếu tôn trọng. Khách sẽ được phục vụ ít nhất ba tuần cà phê, được gọi là abol, tona và baraka, được đặt theo tên của ba con dê đã phát hiện ra hạt cà phê hàng nghìn năm trước. Trong đó, từ “baraka” có nghĩa là “được ban ơn”, được coi như một hình thức ban phước lành, cầu mong may mắn cho khách.
Khách được mời đến dự tiệc cà phê, để thể hiện sự biết ơn đối với tấm lòng hiếu khách của chủ nhà cần mang theo một món quà đơn giản, một thẻ hương trầm là ví dụ điển hình.